Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều ảnh hưởng đến môi trường. Nếu chúng ta đòi hỏi hoạt động sản xuất kinh doanh hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường thì chắc chắn không có bất kì hoạt động kinh tế nào xảy ra.
Việc thực hiện chính sách và pháp luật bảo vệ môi trường, hay trách nhiệm với xã hội tại các doanh nghiệp ở nước ta còn tồn tại nhiều khó khăn và bất cập do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có nguyên nhân là do chính bản thân các doanh nghiệp chưa nhận thức được một cách đúng đắn và đầy đủ về mối quan hệ giữa hoạt động kinh doanh sản xuất của mình với vấn đề môi trường. Vì vậy, chúng ta cần làm rõ mối quan hệ này nhằm phần nào góp phần thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, vì chỉ có thay đổi được nhận thức thì mới thay đổi được hành động của chính bản thân mình.
Trước hết, đây là một mối quan hệ biện chứng tác động lẫn nhau. Hoạt động của doanh nghiệp có những tác động tích cực và tiêu cực tới vấn đề môi trường và ngược lại môi trường cũng góp phần tạo nên những thuận lợi hay khó khăn trong việc sản xuất. Đồng thời, chúng ta cũng phải khẳng định mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều ảnh hưởng đến môi trường. Nếu đòi hỏi hoạt động sản xuất kinh doanh không ảnh hưởng đến môi trường thì chắc chắn không có bất kì hoạt động kinh tế nào xảy ra. Vấn đề cần quan tâm ở đây là mức độ tác động như thế nào (nguy cơ tổn hại, tàn phá môi trường; khả năng phục hồi môi trường; sự ảnh hưởng bất lợi so với hiệu quả đem lại…)
Tác động của doanh nghiệp đến môi trường
– Tác động tích cực
Thứ nhất, trong chừng mực nhất định, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chẳng hạn như hoạt động du lịch có thể việc xây dựng các công viên vui chơi giải trí, công viên cây xanh, hồ nước nhân tạo, các làng văn hóa du lịch… có thể tạo nên môi trường mới hay góp phần bảo vệ môi trường.
Thứ hai, hoạt động của doanh nghiệp tạo điều kiện vật chất cho việc thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường. Hoạt động kinh doanh sẽ tạo ra nguồn đóng góp cho ngân sách nhà nước, là một nguồn tài chính quan trọng cho hoạt động bảo vệ môi trường. Một số lĩnh vực kinh doanh, như hoạt động nhập khẩu và sản xuất thiết bị phục vụ công tác bảo vệ môi trường. Ví dụ như sự phát triển của công nghệ sinh học và gia tăng thương mại các sản phẩm của nó sẽ góp phần tích cực làm giảm áp lực lên khai khác và sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên.
Thứ ba, việc phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải góp phần cải thiện chất lượng môi trường và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải.
– Tác động tiêu cực
Thứ nhất, hoạt động kinh doanh phát triển làm tăng nhu cầu khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên để áp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể tạo ra những ảnh hưởng bất lợi cho môi trường.
Thứ hai, hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển cũng làm phát sinh nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, nhất là vấn đề chất thải:
+ Về nước thải: Một số doanh nghiệp thuộc hạng gây ô nhiễm lớn có thể kể như: hóa chất, dệt, nhuộm, giấy, chế biến thực phẩm, đặc biệt là chế biến tinh bột, cao su, thuộc da, kim loại, các làng nghề… nhưng chưa có những biện pháp bảo vệ môi trường tốt. Cũng có một số doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải nhưng lại không vận hành hoặc vận hành cầm chừng. Việc này diễn ra trong nhiều doanh nghiệp và đây cũng là một hiện trạng cần phải khắc phục.
+ Về khí thải: Thông thường, khí thải từ các công ty đưa ra dưới dạng đốt nhiên liệu và do điều kiện dây chuyền công nghệ của Việt Nam đa số đã cũ và lạc hậu cho nên thường thải vào môi trường vô số loại khí thải nguy hiểm đến cộng đồng. Nhưng khí thải không được các doanh nghiệp chú trọng xử lý như chất thải lỏng.
+ Về chất thải rắn độc hại: Chất thải rắn độc hại cũng đang là vấn đề quan tâm lớn của toàn xã hội. Vừa qua, Tổng cục Môi trường đã cấp giấy phép vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại cho hơn 50 công ty khác nhau, trong đó có đến quá nửa số công ty chỉ chuyên về vận chuyển và chỉ có gần một nửa vừa vận chuyển vừa xử lý.
Thứ ba, hoạt động kinh doanh trong hội nhập kinh tế quốc tế có thể làm phát sinh những vấn đề môi trường thông qua hoạt động nhập khẩu nững sản phẩm hàng hóa không thân thiện với môi trường vào Việt Nam, trong đó có thể có những chất độc hại.
Tác động của vấn đề bảo vệ môi trường đến hoạt dộng của doanh nghiệp
– Tác động tích cực
Thứ nhất, các thành phần môi trường, đặc biệt là các nguồn tài nguyên, là một trong những điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Các nguồn tài nguyên đó là nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất. Tùy vào nguồn tài nguyên ở từng vùng mà ở đó sẽ phát triển những hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau. Chẳng hạn như ở Quảng Ninh, ngành công nghiệp khai thác than phát triển bởi đây là nơi có nhiều mỏ than với trữ lượng lớn…
Thứ hai, chất lượng môi trường phù hợp sẽ bảo đảm cho hoạt động kinh doanh ổn định và bền vững thông qua sự ổn định về chất lượng sức lao động, chất lượng nguồn nguyên, nhiên, vật liệu.
– Tác động tiêu cực
Thứ nhất, chất lượng môi trường có thể làm phát sinh những chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua những vấn đề liên quan đến sức lao động, chi phí ngoại ứng đối với nguồn nguyên, vật liệu và làm tăng giá thành sản phẩm từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh.
Thứ hai, chất lượng môi trường không bảo đảm sẽ ảnh hưởng tới tính bền vững trong hoạt động kinh doanh. Những bất ổn này có thể là sự bất ổn về nguồn cung cho sản xuất kinh doanh, những bất ổn phát sinh từ thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra cho các chủ thể kinh doanh.
Từ sự nhận thức rõ ràng về mối quan hệ giữa hoạt động của doanh nghiệp và môi trường, thiết nghĩ các doanh nghiệp cần nên áp dụng đồng bô ba nhóm giải pháp sau:
Nhóm các giải pháp về nhận thức của doanh nghiệp: Các doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thương mại nói riêng, tiến tới thay đổi hành vi của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt áp dụng giải pháp công nghệ sạch.
Nhóm giải pháp nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp nhằm mục đích phát triển hoạt động của mình mà không gây gây ảnh hưởng xấu tới môi trường ngoài ra còn có kinh phí đầu tư cho việc bảo vệ môi trường.
Nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện bộ máy quản lý môi trường tại doanh nghiệp. Cụ thể là cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về môi trường nhằm áp dụng các quy định của pháp luật môi trường có khả năng vận hành các hệ thống xử lý, phân tích kiểm tra mức độ đảm bảo tiêu chuẩn môi trường của các sản phẩm và chất thải…